Nghề nhạc công - "làm dâu trăm họ"
Trước hết phải nói rằng - Nghề nhạc công là một nghề “làm dâu trăm họ”. Đặc thù công việc là vậy nên làm nhạc công cũng có những niềm vui và nỗi buồn riêng. Có những lúc gặp buổi tiệc hát toàn những bài mình thích đi theo đó là những giọng ca tuyệt vời.. nên việc chơi nhạc cũng thấy hưng phấn, cũng có đôi khi gặp toàn bài lạ, người hát thể hiện không đúng cao độ nên tinh thần đánh nhạc cũng xuống theo.
Để đệm đàn Organ tốt trước hết ta cần có vốn bài hát phong phú
Có người bạn hỏi tôi rằng: phải làm sao để có thể đệm nhạc trên đàn organ tốt được? Không biết với các bạn đã là nhạc công trả lời thế nào, nhưng với kinh nghiệm của riêng mình thì muốn đệm hát tốt nói chung và đệm hát trên organ nói riêng thì ta cần phải tập nghe nhiều bài hát. Việc nghe nhiều bài hát sẽ giúp bạn có vốn bài hát phong phú, để những khi gặp những bài hát đó ta có thể đệm một cách dễ dàng và đúng ý người ca. Nhưng nghe nhiều bài hát mà chỉ để biết bài hát đó thôi thì chưa đủ. Bạn phải thay đổi cách nghe nhạc của mình bằng một trạng thái khác. Thay vì trước đây bạn thường nghe nhạc để cho vui tai hay để ý sâu về ý nghĩa ca từ thì nay học làm organ nhạc công thì bạn cần nghe nhạc ở trạng thái phân tích tiết đệm của bài hát, lắng nghe xem người ta dạo nhạc như thế nào, lót câu và kết ra làm sao…? Tiếp đó bạn nên lắng nghe tiếng trống, tiếng bass, guitar thùng, tiếng sáo, đàn tranh, đàn bầu, violin, sax… người ta sử dụng ra làm sao? Vì mỗi loại nhạc cụ khác nhau sẽ có những cách dùng khác nhau thì mới cho đúng hiệu quả và cái hay của nó.
Những kiến thức cần thiết cho Organ nhạc công
Organ nhạc công không chỉ cần kiến thức âm nhạc mà còn cần sự hỗ trợ của các tính năng điện tử trên đàn
Học đàn organ nhạc công tương đối đơn giản hơn so với học các loại nhạc cụ mộc khác, bởi những tính năng điện tử của đàn organ đã hỗ trợ cho người chơi khá nhiều như những vấn về về tone, về điệu… đã được trang bị sẵn trong đàn, ta chỉ cần bấm nút là có thể thay đổi một cách mau lẹ.
Những trở ngại thường gặp ở những organ nhạc công mới vào nghề.
Các bạn organ nhạc công mới vào nghề thường rất nhát sân khấu nên kéo theo đó là cho dù đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về đệm hát organ nhưng khi lên sân khấu thì thường không thể hiện được như ý mình.
Với những nhạc công mới vào nghề thường thì khả năng phản xạ với tone và điệu còn yếu nên việc dò tone và chọn điệu đó là điều e ngại nhất thường gặp. Với những ai đã từng đệm nhạc cũng đã biết, dò tone và chọn điệu cho một ca khúc là một vấn đề rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành công hay thất bại đầu tiên nhất khi đệm hát. Đệm dân ca trên đàn organ - những chất liệu âm nhạc từ các âm sắc trên đàn
Đây cũng là một vấn đề mà một số nhạc công mới vào nghề cũng gặp nhiều trở ngại. Thường thì đệm không ra được chất nhạc dân ca vì không biết hệ thống thang âm dành cho dân ca hay biết nhưng không thường dùng nên khi thể hiện cũng không ra được chất nhạc dân ca. Mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những lối thể hiện giai điệu và hệ thống thang âm cũng khác nhau, vậy nếu muốn đánh tốt và ra được chất nhạc đặc trưng của mỗi vùng miền ta cần có những kiến thức nhất định về đặc trưng âm nhạc của mỗi vùng miền để có thể vận dụng vào cách đệm cho phù hợp.
Sử dụng tiếng trên đàn organ - tính năng của loại nhạc cụ. Mỗi loại nhạc cụ sẽ có những cấu tạo khác nhau, chính vì thế nên cách diễn tấu cũng khác nhau. Ví dụ: Violin ta có thể đánh các quãng rộng rất tốt và dễ dàng sử dụng các nốt thăng - giáng, nhưng ngược lại với kèn Acmonica thì không, vì khi thổi nhiều ở các quãng rộng khiến người chơi rất dễ bị vấp nốt và với kèn Acmonica không có nốt thăng – giáng bất thường nên khi thể hiện ta cũng không nên đánh các nốt thăng – giáng bất thường…
Tiết đệm cho từng điệu nhạc. Đối với mỗi điệu khác nhau, ta thường có những cách đệm khác nhau. Dĩ nhiên cũng có những điểm chung nhất định như về hòa thanh, về cách sử dụng tiếng, nhưng về tiết tấu thì khác nhau rõ nhất. Chính vì thế là một nhạc công bạn cần để ý cách đệm cho từng điệu nhạc để có thể ứng dụng linh hoạt và thể hiện làm sao để tiếng đàn của mình thật chuyên nghiệp.
Học đàn organ nhạc công ở đâu?
Mọi người có thể tìm học ở các trung tâm dạy nhạc hoặc các lớp nhạc có hướng dẫn – đào tạo nhạc công organ. Nhưng lời khuyên chân thành là các bạn nên tìm học từ những người đã và đang làm nhạc công, bởi khi bạn học không chỉ cần kiến thức đệm hát, mà còn cần thực tế biểu diễn nữa. Việc lên sân khấu thường xuyên sẽ giúp bạn dạn dĩ hơn và thấy tự tin hơn khi đứng trước đám đông thể hiện mình.
Học organ nhạc công cũng không khác gì các môn học khác, bạn cần có sự kiên trì và một khoảng thời gian luyện tập nhất định. Đừng nóng vội vì âm nhạc cần có sự cảm thụ từ từ. Bạn cũng đừng nên tin những lời có cánh từ quảng cáo của các trung tâm như 2 -3 tháng biết đàn, hay đào tạo nhạc công organ ngắn hạn, cấp tốc - bạn sẽ không dễ dàng làm được vậy đâu!
Chia sẻ sau cùng đó là nếu bạn thật sự muốn trở thành một nhạc công organ thì điều bạn cần làm đó là nên mua một cây đàn để luyện tập và dĩ nhiên nó phải đáp ứng cho việc đi show sau này, nghĩa là cây đàn ấy phải có đủ những tính năng như load điệu, đổi tiếng, có linh động tìm kiếm trong hệ thống dữ liệu đàn… bởi bạn không chỉ dùng những dữ liệu có sẵn trong đàn mà còn phải lấy những dữ liệu bên ngoài đưa vào đàn nữa, như vậy bạn mới có thể làm phong phú cho phong cách chơi đàn của mình.
Chúc các bạn thành công với đam mê của mình!